Giáo sư Carlyle A.Thayer - giảng viên bộ môn chính trị học thuộc Học viện Quốc phòng Australia - khẳng định, việc Trung Quốc sử dụng hộ chiếu “lưỡi bò” là hành động khiêu khích, bởi chưa quốc gia nào có tiền lệ in bản đồ có vùng đang tranh chấp vào hộ chiếu của mình.
Ông nói: Hành động của Trung Quốc giống kiểu “nước chảy đá mòn”. Mỗi hành động được đưa ra trong nhiều khoảng thời gian khác nhau nhằm làm cho dư luận chú ý với ý đồ đạt được mục đích.
- Theo ông, mưu đồ đằng sau hành động này là gì?
- Là gây áp lực, gây căng thẳng và lấn tới, giống như chiến tranh tâm lý. Điều này không phải ngẫu nhiên xảy ra. Tôi cho rằng chủ trương in đường lưỡi bò đã được chuẩn bị từ lâu và bằng tất cả những hành động này, Trung Quốc muốn biến yêu sách của mình thành hiện thực.
- Việc Trung Quốc in hình lưỡi bò lên hộ chiếu có giúp hợp pháp hóa yêu sách phi lý hay không?
- Không! Nó hoàn toàn không có nghĩa Trung Quốc hợp pháp hóa được yêu sách. Trong hội thảo về biển Đông vừa rồi tại TPHCM, GS-TS Erik Franckx thuộc Đại học Vrije Brussels (Bỉ) - một chuyên gia hàng đầu về biển Đông - cũng nhấn mạnh cho đến tận bây giờ, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra một lời giải thích rõ ràng nào về đường lưỡi bò, sau khi lần đầu tiên đệ trình lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc văn bản đính kèm bản đồ đường 9 đoạn năm 2009.
Bản đồ chỉ là một kênh thông tin khi đưa ra tòa án quốc tế phán xét. Vấn đề là những khu vực nằm trong đường lưỡi bò thuộc chủ quyền của nước nào, và nước nào quản lý? Trong khi đó, Việt Nam đã có rất nhiều bằng chứng vững chắc mang tính lịch sử cho thấy Việt Nam xác lập chủ quyền tại khu vực này. Hộ chiếu chỉ là giấy thông hành, không có giá trị pháp lý.
- Vậy khi công dân Trung Quốc đến một nước thứ ba không liên quan đến tranh chấp và họ được đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu thì sao, thưa ông?
- Việc các nước ASEAN khác hoặc các nước khác trên thế giới cho phép công dân Trung Quốc nhập cảnh, cũng không có nghĩa là yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc được chấp nhận. Như tôi đã nói ở trên, đường lưỡi bò bản thân nó không có giá trị pháp lý và không được quốc tế công nhận. Ngay cả khi ra tòa án quốc tế, người ta cũng đòi hỏi phải có chứng cứ cụ thể mà Trung Quốc sẽ không đạt được điều đó, vì Việt Nam có cơ sở vững chắc.
Tất nhiên, việc hộ chiếu của Trung Quốc được đóng dấu ở một nước thứ ba không có liên quan là điều khó tránh khỏi, làm tổn thương Việt Nam, nhưng điều đó không làm thay đổi được tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong khu vực này.
- Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì?
- Tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ thay hộ chiếu của họ trong thời gian tới. Nhưng vấn đề quan trọng là mỗi lần Trung Quốc gây hấn, dù từng bước rất nhỏ thì Việt Nam phải cương quyết phản đối. Trong luật quốc tế, nếu các bạn không phản đối thì sau một thời gian họ nói các bạn đã mặc nhận. Do vậy, Việt Nam phải là “hòn đá rắn”, mỗi lần Trung Quốc cho “nước chảy”, hòn đá không được mòn.
- Ông nhận định thế nào về tình hình biển Đông trong vài năm tới?
- Tôi cho rằng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ chuyển hướng tập trung vào trong nước vì bản thân họ có nhiều vấn đề cần giải quyết. Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng khác là Trung Quốc phải tìm cách phát triển quan hệ với Mỹ, thực hiện đối thoại kinh tế chiến lược. Tôi cũng hy vọng ASEAN sẽ đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông, song ASEAN phải có cơ chế hợp tác lẫn nhau để cho thế và lực vững mạnh. Cần nhớ rằng luật quốc tế được áp dụng ở mọi nơi, không chỉ riêng biển Đông.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cách ứng xử khi có tranh chấp. Chẳng hạn ở Mỹ, khi hai người có tranh chấp, họ không đánh nhau, không giành giật tài sản và nói đó là của tôi hay của anh, mà để cho tòa án phân xử. Trung Quốc nên học điều đó, hãy ngừng xâm chiếm và đòi hỏi chủ quyền của người khác!
VÂN ANH (LAO ĐỘNG ONLINE)
0 Nhận xét
Cảm ơn, chúc bạn vui vẻ !