PETROLIMEX LỖ LỚN MÀ LƯƠNG LẠI CAO




Tập đoàn này có nhiều vấn đề như thị phần giảm, lỗ năm 2011 trên 1.400 tỉ nhưng lương nhân viên tại công ty mẹ tập đoàn vẫn gần 21 triệu đồng/tháng...

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex).

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), trong năm 2011 tính chung toàn tập đoàn thì Petrolimex lỗ trước thuế trên 1.400 tỉ đồng, trong đó riêng khối các đơn vị kinh doanh xăng dầu lỗ cao hơn, trên 2.300 tỉ đồng. Công nhận lỗ trên có phần do Nhà nước điều hành giữ giá xăng dầu và do điều chỉnh tỉ giá USD nhưng cũng theo báo cáo của KTNN, Petrolimex có thị trường tiêu thụ khắp cả nước nhưng thị phần đang sụt giảm tại các tỉnh, thành phố lớn - khu vực có điều kiện giao thông thuận lợi - do phải cạnh tranh với các đầu mối khác. Thị phần của Petrolimex năm 2011 chỉ còn 48%, liên tục giảm so với năm 2010 (49%), năm 2009 (50%).

Đầu tư chứng khoán lỗ

Dù lỗ năm 2011 và thị phần giảm nhưng theo KTNN, tại công ty mẹ Petrolimex tổng quỹ tiền lương năm 2011 là trên 60 tỉ đồng, tăng 1,6% so với năm 2010. Thực tế tiền lương bình quân ở công ty mẹ lên tới 20,96 triệu đồng/người/tháng, bằng 1,75 lần mức lương khối văn phòng các đơn vị thành viên.

Trong khi đó, lương bình quân khối kinh doanh xăng dầu (gồm công ty mẹ và 42 đơn vị thành viên) chỉ được 6,6 triệu đồng/người/tháng. KTNN cho biết dù tiền lương của Petrolimex tuân thủ các quy định hiện hành nhưng cơ chế thực hiện đã hạn chế vai trò đòn bẩy kinh tế của thu nhập, tiền trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

KTNN cũng đã công bố được con số giá thành xăng dầu tiêu thụ nội địa của Petrolimex bình quân chỉ 17.583 đồng/lít (chưa tính thuế - pv), trong đó giá vốn mua xăng dầu chỉ 16.587 đồng/lít. KTNN nêu rõ con số chi phí hao hụt của Petrolimex lên đến 189 đồng/lít (hoặc kg)... KTNN cho biết đã phát hiện công tác quản lý hao hụt xăng dầu tại một số đơn vị của Petrolimex còn những thiếu sót, cần được tập đoàn rà soát, đánh giá mức độ và đề ra biện pháp khắc phục...

Tại Petrolimex cũng đang có khoản lỗ không nhỏ từ đầu tư chứng khoán. Theo KTNN, do thị trường chứng khoán thời gian qua khó khăn, giá cổ phiếu giảm sâu dẫn tới các đơn vị phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. Đặc biệt, tại phần đề cập về “quản lý vốn chủ sở hữu”, KTNN nhắc lại tổng lỗ từ khối kinh doanh xăng dầu của Petrolimex năm 2011 là trên 2.300 tỉ đồng và nhấn mạnh thêm: nếu tính cả khoản lỗ do định giá lại các khoản đầu tư chứng khoán tại thời điểm Petrolimex chuyển thành công ty cổ phần là trên 949 tỉ đồng, tổng số lỗ Nhà nước phải xem xét “xử lý” lên tới trên 3.300 tỉ đồng.

Một cửa hàng xăng dầu trong lần tăng giá hồi tháng 8-2012

Petrolimex còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng với tổng giá trị trên 1.500 tỉ đồng, tương đương 15,6% vốn chủ sở hữu. Dù đầu tư diễn ra từ nhiều năm trước nhưng trong điều kiện Petrolimex có khó khăn về vốn kinh doanh, chi phí tài chính tăng cao, hiệu quả kinh doanh lĩnh vực chính giảm sút thì theo KTNN, việc đầu tư ra ngoài ngành với giá trị đầu tư lớn cần được phân tích kỹ để tái cơ cấu vốn hiệu quả, tập trung vốn cho lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Vốn lớn, nợ nhiều

Về tuân thủ chế độ tài chính, kế toán, theo KTNN, nhiều đơn vị của Petrolimex đã phản ánh thừa hoặc thiếu doanh thu, thu nhập, nhiều đơn vị còn thực hiện ký hợp đồng bán hàng với điều khoản chưa chặt chẽ, ký hợp đồng với các đại lý chưa đủ điều kiện theo nghị định 84/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Với công ty mẹ Petrolimex, KTNN còn cho thấy những lỗi lớn hơn như: hạch toán trùng chi phí, tính thiếu chi phí thuê đất, quy định mức cước vận chuyển nội địa để các đơn vị trong ngành ký với các công ty thành viên tập đoàn cao hơn mức cước của thị trường tại cùng thời điểm. Chưa hết, Petrolimex định giá khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Hóa dầu (mã chứng khoán PLC) chưa chính xác, thiếu hẳn số cổ phần được chia thêm theo cổ tức, lên tới trên 84 tỉ đồng.

Với công tác quản lý tài sản ngắn hạn, sau khi soát xét, KTNN cũng cho rằng tại Petrolimex còn những tồn tại. Có đơn vị của Petrolimex chưa có biện pháp thu tiền ở các cửa hàng trong thời điểm ngày nghỉ, ngày lễ kịp thời, dẫn tới số tiền ở các cửa hàng này tồn lớn, tiềm ẩn rủi ro. Có công ty con còn để số dư tiền ở ngân hàng dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn cao (lãi suất được hưởng thấp - pv), chưa quản trị linh hoạt nguồn tiền nhàn rỗi. Riêng Công ty cổ phần vận tải VIPCO đã ký quỹ ủy thác vay vốn, đối tác không thực hiện được hợp đồng nhưng VIPCO vẫn giải ngân số tiền trên 20 tỉ đồng không rõ lý do, đến nay chưa thu hồi được...

Kết quả chung, KTNN cho biết Petrolimex báo cáo tại thời điểm 31-12-2011, tập đoàn này có tổng tài sản trên 57.665 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau kiểm toán, KTNN xác định tổng tài sản của Petrolimex lên tới trên 57.713 tỉ, tăng trên 47 tỉ đồng. Dù vốn lớn tới trên 57.000 tỉ đồng, nhưng thực tế KTNN cho biết nợ phải trả của Petrolimex cũng rất lớn, lên tới trên 44.000 tỉ đồng... KTNN kiến nghị Petrolimex cần chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, kế toán, hạch toán cả ở công ty mẹ và công ty thành viên, rà soát các hợp đồng đại lý; tổ chức đấu thầu, chào giá cạnh tranh để giảm các yếu tố đầu vào như cước vận chuyển, dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng - những yếu tố có thể giảm giá thành xăng dầu.
TS Vũ Đình Ánh (nguyên viện phó Viện Khoa học thị trường giá cả): Lương vượt quá xa mức chung

Mức lương gần 21 triệu đồng/người/tháng ở công ty mẹ của Petrolimex theo kết quả kiểm toán năm 2011 so với nhu cầu của tầng lớp nào đó thì không cao, nhưng đã vượt quá xa mức chung của xã hội.

Tuy nhiên không chỉ lương, điều cần quan tâm nữa là các chi phí của doanh nghiệp độc quyền thế nào. Lương cao, từ đây các cơ quan quản lý nhà nước nên tính toán xem chi phí của Petrolimex có quá cao không. Nếu trước đây bán được 8 triệu lít, kg xăng dầu mà chi phí là 1, nay lên 9 triệu lít, kg mà chi phí là 2 thì dứt khoát có vấn đề, cần giám sát chặt.

Điều đáng quan tâm nữa là tiền gửi tiết kiệm của các đơn vị thành viên Petrolimex ở mức không kỳ hạn nhiều. Điều này dễ hiểu bởi gửi không kỳ hạn thì lợi tức rất thấp. Các ngân hàng rất muốn lôi kéo những “ông lớn” kiểu Petrolimex cũng vì thế.

PGS.TS Ngô Trí Long (chuyên gia về giá): Có thể đặt câu hỏi rồi


Tiền lương ở công ty mẹ của Petrolimex, theo tôi, là quá cao so với mức lương trung bình của xã hội. Dù xăng dầu là ngành độc hại, nhưng nhiều ngành còn độc hại hơn. Trong khi đó, chi phí như hao hụt đang ở mức 189 đồng/lít tôi cho rằng cũng đã có thể đặt câu hỏi rồi. Bởi tổng chi phí định mức chỉ 600 đồng/lít, mà hao hụt như vậy có thể không cao so với định mức do chính Petrolimex đặt ra, nhưng chi phí xã hội phải trả cho trên 9 triệu lít xăng dầu Petrolimex bán ra năm 2011 sẽ thành con số không nhỏ. 

(Theo Tuổi Trẻ)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét