CÁC TRANH CHẤP VỀ LÃNH THỔ TRÊN BIỂN ĐÔNG DỰ KIẾN SẼ CHIẾM MỘT PHẦN QUAN TRỌNG TRONG NỘI DUNG BÀN THẢO GIỮA CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á VÀ ĐỐI TÁC, TẠI HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH ASEAN VÀ CHÂU Á DIỄN RA NHỮNG NGÀY NÀY.
Hôm qua ngoại trưởng các nước ASEAN đã họp tại trung tâm hội nghị hòa bình ở Phnom Penh, trong sự bảo vệ của khoảng 10.000 binh sĩ và cảnh sát. Đây là dịp Campuchia đón nhiều quan khách VIP trong khu vực và quốc tế nhất từ trước đến nay. Ngoài 10 thành viên ASEAN, lãnh đạo nhiều cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn cũng sẽ có mặt. Các đặc nhiệm Campuchia, vai đeo súng máy, đầu gối và vai độn dầy các miếng đệm, đi lại tuần tra quanh khu vực diễn ra hội nghị, theo AP.
Binh sĩ campuchia đứng gác bảo vệ an toàn cho hội nghị. Ảnh: AFP |
Sau hội nghị thượng đỉnh khai mạc hôm nay, sẽ diễn ra cuộc họp giữa ASEAN với các nước đối tác, theo sau đó nữa là hội nghị cấp cao Đông Á mở rộng, có sự tham gia của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Ông Obama là vị khách đáng chú ý nhất tại hội nghị, bởi Campuchia là nơi đầu tiên ông xuất hiện trên thế giới, sau khi tái đắc cử. Đại diện cho Trung Quốc là Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Đoàn Việt Nam được dẫn đầu bởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Các hội nghị này đánh dấu những cuộc họp quan trọng thứ hai trong năm của ASEAN, rất thu hút sự chú ý bởi giới quan sát đang chờ xem liệu khối có tránh được đổ vỡ như hồi tháng 7 hay không. Khi đó các thành viên của Hiệp hội có lịch sử 45 năm này đã không thể ký được tuyên bố chung, do bất đồng trong cách đề cập đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Các thành viên của ASEAN, gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, có các tuyên bố chủ quyền tranh chấp với Trung Quốc. Campuchia, quốc gia có mối quan hệ kinh tế thân thiết với Trung Quốc, đã không chấp nhận đề nghị của một số thành viên về việc đưa nội dung tranh chấp vào thông cáo chung, và các bên ra về mà không thống nhất về văn bản cuối cùng, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Campuchia, nước chủ nhà và là chủ tịch của hội nghị, hẳn muốn tìm cách hạn chế những bất đồng nghiêm trọng như từng xảy ra hồi tháng 7.
Các thành viên có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cho rằng một cách tiếp cận đa phương cho vấn đề này sẽ giúp gỡ thế bế tắc và tránh xung đột lên cao thêm, vì ổn định và hòa bình. Trung Quốc thì muốn giải quyết tranh chấp tay đôi với từng bên liên quan. Vấn đề Biển Đông trở nên nóng trong hơn hai năm qua, khi các diễn biến trên thực địa tăng lên như số lần va chạm giữa các tàu của các nước, cũng như những tuyên bố qua lại gay gắt. Mỹ, quốc gia Thái bình dương, đánh dấu sự quan tâm đặc biệt của họ đến điểm nóng này bằng tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm an ninh hàng hải và tự do thương mại. Biển Đông không chỉ có trữ lượng dầu khí và hải sản dồi dào, mà còn là tuyến vận tải rất quan trọng đối với thương mại thế giới.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN hôm nay. Ảnh: AFP |
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan hôm qua cho biết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông đã được một số bộ trưởng nêu ra chung chung, chưa đề cập đến các chi tiết có thể gây bất đồng. Trong cuộc họp ngoại trưởng hôm qua, đại diện các nước nêu quan điểm cần tránh xung đột - thứ mà theo ông Surin là đang ảnh hưởng đến dòng đầu tư nước ngoài vào khu vực do lo ngại về an toàn. Họ cũng nói đến việc tiếp cận các vùng nước và an ninh năng lượng.
Các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đã được giới phân tích quốc tế đánh giá có thể trở thành điểm nóng tiếp theo của thế giới.
Ông Obama và các nhà lãnh đạo một số nước trong ASEAN được cho là sẽ độc lập nêu lên nhu cầu đảm bảo rằng sự tranh chấp không làm phương hại đến đến khu vực cũng như sẽ không ngăn chặn tự do lưu thông trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền một phần rất lớn. Thủ tướng Nhật Noda cũng được cho là sẽ nêu ra vấn đề tranh chấp giữa Tokyo với Bắc Kinh trên biển Hoa Đông.
Theo tờ Wall Street Journal, giới quan sát nhận thấy các nhà lãnh đạo ASEAN dường như lạc quan về triển vọng giải quyết tranh chấp, trong đó có việc thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông, thường được đề cập là COC, với Trung Quốc. Tuy nhiên phát biểu chỉ một ngày trước khi hội nghị ngoại trưởng diễn ra, bà Phó Doanh, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh trông đợi các bên tập trung thảo luận về hợp tác kinh tế, chứ không để các tranh chấp làm lu mờ các vấn đề và triển vọng hợp tác phát triển.
Một chủ đề được quan tâm nữa trong loạt hội nghị này là việc Hiệp hội nhất trí thông qua một tuyên bố chung, không ràng buộc pháp lý, về bảo vệ nhân quyền.
Vào thứ ba, hội nghị thượng đỉnh châu Á Thái bình dương sẽ diễn ra với sự tham gia của ASEAN và 8 nước khác, trong bối cảnh đặc biệt về chính trị ở nhiều cường quốc bởi tiến trình chuyển giao quyền lãnh đạo đáng chú ý: Mỹ mới bầu cử tổng thống; Trung Quốc vừa hoàn thành đại hội đảng cầm quyền, Nhật và Hàn Quốc đều sắp tổ chức bầu cử.
Thanh Mai
0 Nhận xét
Cảm ơn, chúc bạn vui vẻ !