VNCH CÓ "ĐA ĐẢNG" KHÔNG ? HOA KỲ CÓ "ĐA ĐẢNG" KHÔNG?

(HNNGBPĐ)


Dẫn Nhập:

Câu trả lời duy nhất đúng mà bất kỳ ai đã thực sự là dân Việt Nam Cộng Hòa có thực sự quan tâm đến chính trị và thời cuộc của Việt Nam Cộng Hòa, và đang còn ký ức đầy đủ về cái gọi là thời cuộc ấy của Việt Nam Cộng Hòa, và … biết tiếng Anh, đều có thể cho ra ở thể khẳng định là: Việt Nam Cộng Hòa chưa từng đa đảng và Mỹ không đa đảng.

Trước khi nói Việt Nam Cộng Hòa khác với Mỹ chỗ nào dù cả hai không đa đảng, cần làm rõ nội dung rằng “đảng” được bàn luận ở đây phải là “đảng chính trị” và “đảng chính trị” này phải là “đảng cầm quyền”. 

“Đảng chính trị” không phải là băng đảng của một nhóm người được lập nên dựa theo luật pháp hào phóng và ưa chuộng hư danh của một quốc gia nào đó (thí dụ như nước Nga sau thời Liên Xô đã xuất hiện những “đảng” như “Đảng Bia” của những người khoái uống bia), hoặc như ở Việt Nam thời Pháp thuộc có những tên Việt gian cũng mở ra những “đảng” để thờ phượng giặc xâm lăng, phá hoại tầm thế của các nhà chí sĩ cách mạng, tung hỏa mù giúp quân xâm lược phá tư tưởng cộng sản để rồi bị “đảng” cộng sản đánh cho tan tác phải bỏ chạy vào Sài Gòn mở “văn phòng” ngồi sờ cằm hoài cổ mà ngay các vị “tổng thống” Việt Nam Cộng Hòa còn phải bỉu môi khinh bỉ, không thèm gia nhập, và không cho nhúc nhích cục cựa gì về “hoạt động chính trị” để “độc quyền chính trị”, không cho ai cạnh tranh làm tôi mọi Mỹ. 

Còn “đảng cầm quyền” là yếu tố bắt buộc để chứng minh đó là một “đảng chính trị” thực sự. Không có quân đội, chẳng phải là đảng cầm quyền thì có khác gì những hình nộm múa may trên hý trường chính trị mà phải tốn hao giấy mực viết về! 

Tóm lại, “đảng” ở đây là đảng chính trị cầm quyền, với điều thú vị là gần đây Việt Nam đã tung ra những từ ngữ học thuật hàn lâm dạy dỗ thế giới về “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như một phát kiến quan trọng về sự tước khỏi tay sở hữu độc quyền của chủ nghĩa tư bản về cái gọi là kinh tế thị trường cũng như nêu bật tính hiện hữu không bất biến của kinh tế thị trường ở mọi nơi, và “đảng cầm quyền” như một phát kiến quan trọng thứ hai nhằm giúp các nước tư bản nhận ra chân lý rằng nhiều đảng không phải là đa đảng, và không phải cứ “đảng” thì là … “đảng”.

Việt Nam Cộng Hòa:

Việt Nam Cộng Hòa chưa hề có đa đảng. Không bất kỳ ai trên thế gian này thuộc bất kỳ quốc tịch nào có thể cho biết – và tất nhiên trưng ra các bằng chứng lịch sử có thư tịch hẳn hoi tại các thư viện quốc gia của các siêu cường – rằng các ông Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu (tất nhiên cùng các thân bằng quyến thuộc và bè phái của các ông ấy) là “đảng viên” của bất kỳ một đảng chính trị – tức “chính đảng” – nào. 

Nghĩa là các vị này trở thành “tổng thống Việt Nam Cộng Hòa” một cách phi chính thống, bất bài bản, và vô hàn lâm, vì “làm tổng thống chính trị” mà trước đó không hề sinh hoạt chính trị trong bất kỳ một chính đảng nào, có bất kỳ cương lĩnh chính trị và đường lối hoạt động kách mệnh hẳn hoi nào, có bất kỳ đảng viên hẳn hoi nào, có đóng bất kỳ đảng phí hẳn hoi nào, có ban chấp hành hẳn hoi nào, có bầu bán hẳn hoi nào, và có giới thiệu ứng cử viên nào thay mặt đảng ra tranh cử tổng thống.

Cả hai “ông” đều do Mỹ dúi súng vào tay rồi đẩy lên, và do đó cả hai ông – trên lý thuyết – xem như đều không biết gì về “chính trị”, về “chủ nghĩa”, về “lý tưởng cách mệnh”, mà chỉ biết mồm loa mép dãi bù lu bù loa mãi miết về những nội dung hoang đường như “thế giới tự do”, “cộng sản khát máu”, v.v. và v.v., mà các ông không hề hiểu biết, để khỏi phải nói về triết thuyết học thuyết chính trị mà các ông mù tịt. Cũng do Mỹ nhào nặn ra, cả hai ông đều biết sự lợi hại của cái gọi là “đảng” ở Mỹ và ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. 

Do không thể hạ mình gia nhập “đảng” của người khác (tức “đảng” của những kẻ bầy nhóm cá nhân lập ra thời Pháp thuộc để chống…Việt Minh và tự gọi mình là “đảng” mà người dân Việt Nam Cộng Hòa gọi là của đám “chính khách xôi thịt” còn hai ông lúc nắm giữ quân đội đều ra sức trấn triệt), Ngô Đình Diệm manh nha lập ra Đảng Cần Lao (do đã thấy sức mạnh ghê gớm của tầng lớp công nhân mà Cộng Sản thu hút đánh bại thực dân Pháp trong khi giới “nhân sĩ” trí thức quan trường như các cụ tiền bối của Cụ Diệm thì khinh thường), mà đã là Đảng thì phải có lý luận chính trị, có chủ nghĩa hẳn hoi, nên Ngô Đình Diệm vận dụng ngàn thành công lực để cho ra cái gọi là Chủ Nghĩa Cần Lao Nhân Vị (ắt với dụng ý là “chủ nghĩa cộng sản” bóc lột nhân dân lao động, còn “chủ nghĩa cần lao nhân vị” sẽ cưng nhân dân lao động như trứng mỏng, lập lờ từ ngữ “nhân vị” với chữ “nhân” như “nhân quyền”, “nhân nghĩa”, “nhân đạo”, “nhân văn”, hay… “nhân dân” chăng?). Và cũng do không thể hạ mình gia nhập đảng của người khác (tức đảng của những kẻ bầy nhóm cá nhân lập ra thời Pháp thuộc để chống…Việt Minh và tự gọi mình là đảng mà dân chúng Việt Nam Cộng Hòa gọi là của đám “chính khách xôi thịt” mà cả hai ông khi nắm giữ quân đội đều ra sức trấn triệt, hay cái đảng kỳ quái “cần lao nhân vị” của vị tổng thống mà nhóm mình đã giết tại Nhà Thờ Cha Tam), Nguyễn Văn Thiệu đã lập ra Đảng Dân Chủ năm 1973 với đảng kỳ Cờ Vàng Sao Đỏ, với Đảng Trưởng là Nguyễn Văn Thiệu, nhưng rút kinh nghiệm trò hề của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu không hề cố gắng đẻ ra bất kỳ học thuyết chủ nghĩa chính trị nào cho hậu thế cười chê, và cũng chẳng cần o bế bất kỳ giai cấp nào, chỉ cần nắm quân đội trong tay, không cần đảng viên (do rất nhiều tướng lĩnh hoặc theo phe tướng Nguyễn Cao Kỳ hoặc do sợ mếch lòng tướng này, hoặc theo tướng Dương Văn Minh do muốn có cơ hội “lấy điểm” với cộng sản sau này do Dương Văn Minh có thân nhân ruột thịt làm cán bộ cao cấp của cộng sản), Nguyễn Văn Thiệu lấy hạ sách sử dụng Cục Tâm Lý Chiến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị để bôi nhọ Bắc Việt, bôi nhọ chế độ cộng sản, bôi nhọ cá nhân Hồ Chí Minh, như cách rẻ tiền nhất và hữu hiệu để làm dân chúng khiếp sợ mà chạy về phía mình, khỏi tốn công lý luận chính trị.

Việc Ngô Đình Diệm – và chế độ Việt Nam Cộng Hòa của Diệm – đẻ ra cái chủ nghĩa quái gở “cần lao nhân vị” và lập Đảng Cần Lao sau khi làm tổng thống, cộng với việc Nguyễn Văn Thiệu dốc hết hơi tàn lập Đảng Dân Chủ sau khi làm tổng thống đã giúp khẳng định hai điều là (a) Việt Nam Cộng Hòa chưa hề có bất kỳ đảng chính trị – tức đảng cầm quyền – nào mà chỉ có những cá nhân cùng gia quyến hay phe nhóm của họ “cầm quyền”; và (b) tuy Việt Nam Cộng Hòa có chính phủ, có chính quyền, có vị thế nhất định trên trường quốc tế trong cộng đồng liên minh của Mỹ, song Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn không phải là không có lý khi trước đây gọi chính phủ ấy, chính quyền ấy, là “ngụy quyền” như muốn nói rằng “chúng tôi có đảng chính trị, có đảng cầm quyền, có quân đội, có chủ nghĩa, còn các anh không có đảng chính trị, không có đảng cầm quyền, không có chủ nghĩa, thì các anh ở một đẳng cấp thấp hơn chúng tôi nhiều, không xứng để đứng ngang hàng đối diện đấu trên cùng một vũ đài” vậy.

Có người ngây thơ cố bào chữa rằng thời Việt Nam Cộng Hòa có dân biểu A và dân biểu B thuộc Đảng C đã đắc cử Thượng Viện hoặc Hạ Viện nên điều đó chứng tỏ Việt Nam Cộng Hòa có “đa đảng”. Họ vừa chịu thua vì không thể nêu thêm một cái tên của một cái đảng bất kỳ nào khác từ D đến Z hoặc không cho biết cái vị dân biểu ấy đã giữ chức vụ quyền lực gì của Việt Nam Cộng Hòa hay chỉ đơn giản là “đắc cử hạ viện”, vừa cố tình quên rằng đã có “đảng” thì phải do “đại hội đảng” giới thiệu ra ứng cử, trong khi ở Việt Nam Cộng Hòa chỉ có các “liên danh” mỗi khi có bầu cử, với mỗi “liên danh” có từ hai đến một chục ứng cử viên cá nhân thuộc các giới nhân sĩ ở ngành nghề khác nhau và chọn chung một biểu tượng và một slogan nào đó. Trong một bài viết trước đây, tôi có nói về liên danh “Con Tâu Tắng” (Con Trâu Trắng – do một nhân sĩ Bắc di cư nói ngọng khi đọc chương trình hành động trên đài truyền hình), và liên danh “Kỳ Lân” với slogan “Kỳ Lân Xuất Hiện, Quốc Gia Thái Bình”, v.v., vậy nếu nói Việt Nam Cộng Hòa “đa đảng”, phải chăng muốn nói rằng Việt Nam Cộng Hòa có Đảng Con Tâu Tắng và Đảng Kỳ Lân để noi gương Mỹ có Đảng Con Voi (Cộng Hòa) và Đảng Con Lừa (Dân Chủ) ư?

Một bằng chứng khác cho việc Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ “đa đảng” là ở chỗ cộng sản cực kỳ xuất sắc trong công tác tình báo, gián điệp, và cài cắm người lèn sâu leo cao vào tất cả các ngóc ngách tối quan trọng và tối mật của hệ thống chính trị, quân sự, an ninh, v.v., của Việt Nam Cộng Hòa. Nếu Việt Nam Cộng Hòa có “đảng” thì đương nhiên các tình báo viên cộng sản đã lèn sâu leo cao vào các “đảng” ấy để lèo lái đại cuộc từ lâu rồi, dễ dàng hơn việc lèn sâu leo cao vào cơ quan tình báo tuồn tài liệu hành quân cho cộng sản hoặc qua Mỹ học lái máy bay phản lực chiến đấu tối tân rồi về ném bom Dinh Độc Lập và bay ra “căn cứ” giúp Liên Xô nắm bí mật kỹ thuật chiến đấu cơ siêu thanh. Nhưng từ năm 1975 đến nay chưa hề có bất kỳ một chiến sĩ tình báo nào của cộng sản nói về đại công lèn sâu leo cao của họ vào các “đảng” ấy cả. Trong khi đó, ngay những kẻ chống Cộng trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng không có bất kỳ một tư liệu lịch sử nào chứng minh Việt Nam Cộng Hòa từng có “đa đảng”. Đã không có đảng sử, chưa từng có kinh nghiệm hay kiến thức thực tế nào về “đa đảng” của Việt Nam Cộng Hòa, mà lúc nào cũng chê bai “độc đảng” ở Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, kêu gào đòi “đa đảng, đa nguyên” cho Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thì rõ là làm cái việc không bất kỳ ai của thế giới tự do có văn minh cao, văn hóa cao, học vấn cao, tự hào cao và tự ái cao dám nghĩ đến cả.

Mỹ:

Mỹ không là quốc gia theo chế độ đa đảng với ý nghĩa đa đảng có các yếu tố “cần” và “đủ” như đã nêu ở phần dẫn nhập. Để hiểu phần nói về Mỹ này, không thể không nêu thêm một yêu cầu khác thường về… “giỏi tiếng Anh” vì nếu muốn đọc thông tin dồi dào, phong phú, đáng tin cậy hơn, như tại trang Wikipedia chẳng hạn, thì phần tiếng Anh viết về thể chế chính trị của Mỹ nêu rõ ràng Mỹ có lưỡng đảng tức hai đảng (two-party system), trong khi phần tiếng Việt thay vì dịch từ nguyên bản tiếng Anh đã tự ý viết ngắn gọn và tự phong cho Hoa Kỳ danh đa đảng, khiến xúc phạm nặng nề hai chú Voi và Lừa. Có thể nói Mỹ có nhiều đảng, và Mỹ theo hệ thống lưỡng đảng. Nhiều đảng không phải là đa đảng vì đảng tức là đảng chính trị cầm quyền. Nói một cách số học, Mỹ có thật nhiều đảng, gồm 2 đảng cầm quyền, 5 đảng lớn, 29 đảng nhỏ, 31 đảng rất nhỏ (cấp tiểu bang), 30 đảng lập ra cho có chứ chẳng đoái hoài gì đến “chính trị”, và chưa kể 87 đảng đã ngừng hoạt động. Hệ thống lưỡng đảng tại Mỹ được minh chứng rõ nét qua số liệu quốc hội Mỹ hiện nay có 533 dân biểu, gồm Đảng Dân Chủ (Con Lừa) có 200 đảng viên ở Hạ Viện và 53 đảng viên ở Thượng Viện, trong khi Đảng Cộng Hòa (Con Voi) có 233 đảng viên ở Hạ Viện và 45 đảng viên ở Thượng Viện. 2 thượng nghị sĩ còn lại là ứng viên độc lập. Người Mỹ gôc Việt nếu có trình độ học tập cao, trình độ học thuật cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, uy tín cao, và muốn làm chính trị tất nhiên phải gia nhập đảng Dân Chủ hoặc đảng Cộng Hòa để may ra được đảng bầu chọn và giới thiệu ra tranh cử, đừng nên nghĩ đến việc lập đảng mới cạnh tranh với hai đảng này (vì không bao giờ có đủ tiền để cạnh tranh với các nhà đại tư bản và sẽ chẳng bao giờ đắc cử), hoặc kêu gào đòi Mỹ phải đa đảng đa nguyên với ý nghĩ để được ngang bằng bình đẳng trong…làm tổng thống nắm quân đội và nắm quyền cai trị quốc gia vì Mỹ chỉ cho phép tự do lập các đảng như Đảng Ăn Chay, Đảng Cần Sa, Đảng Hắc Báo, Đảng Quốc Xã, Đảng Cộng Sản, Đảng Xanh, Đảng Bạc, v.v., tức những đảng có quyền tự do gọi mình là đảng chính trị nhưng chẳng bao giờ được phép là đảng cầm quyền trị quốc. Hai vị thượng nghị sĩ độc lập tại quốc hội Hoa Kỳ hiện nay rất có thể là cá nhân đơn độc hoặc là đảng viên của một đảng chính trị nào đó trong số 3+29+31+30 = 93 đảng kể trên; nhưng ngay cả khi họ ra ứng cử, họ cũng không đại diện cho đảng của họ, vì đảng của họ không phải là đảng cầm quyền để có bất kỳ tư cách gì để tổ chức đại hội bầu chọn đề cử ứng viên cả. Đấy là lý do khi đắc cử vào quốc hội (chỉ ở quốc hội, không bao giờ ở cuộc tranh cử tổng thống), họ được liệt vào nhóm có tên là độc lập chứ không được nêu danh tính của đảng họ ra.

Đa đảng thực sự tồn tại ở vài quốc gia. Tại những nơi này, có sự tồn tại cùng lúc của nhiều đảng lớn như nhau, và đồng tình cùng nhau trị quốc cùng lúc. Các đảng viên thi nhau ứng cử vào quốc hội, mỗi đảng chiếm vài ghế để có tỷ lệ phần trăm, để rồi sau khi đắc cử, họ bắt tay nhau để hình thành “liên minh” của gồm nào là đảng A, đảng B, đảng C, và đảng D, v.v., để có các con số 15% + 10% + 5% + 3,5%, v.v. nhằm tạo nên tổng số vài chục phần trăm, đủ lớn để…thành lập chính phủ với sự thỏa thuận ai của đảng nào sẽ làm bộ trưởng của bộ nào, v.v. Mỹ không theo đa đảng vì họ muốn rạch ròi giữa hai đảng gồm phe đa số và phe thiểu số tại mỗi viện, theo đó phe đa số là của đảng thứ nhất, và phe thiểu số là của đảng còn lại. Ngay cả Mỹ ắt cũng thấy được cái rối rắm của hệ thống đa đảng của phần còn lại của thế giới tự do, và đây là kinh nghiệm xương máu của Mỹ mà Việt Nam không thể không lưu tâm đến.

Kết Luận:

Như vậy, Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ đa đảng.

Như vậy, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ không bao giờ đa đảng.

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng không bao giờ đa đảng.

Cả ba đều giống nhau ở điểm ấy, và theo nguyên tắc hàn lâm chính quy chính thống chính đạo thì không bất kỳ ai trong số họ có quyền rao giảng về cái hay cái ho của đa đảng.

Điều khác biệt ở chỗ Mỹ lưỡng đảng, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam độc đảng, còn Việt Nam Cộng Hòa vô đảng.

Tiếng Anh của lưỡng đảng là two-party system, tiếng Anh của độc đảng là single-party system, và tiếng Anh của đa đảng là multi-party system. Đây là những hình thái hệ thống trị quốc tồn tại miên viễn trên toàn thế giới một cách chính thống và hiệu quả tùy “cơ địa” văn hóa dân tộc, tài tổ chức, điều hành, và quán xuyến phát triển vững chắc của giai tầng lãnh đạo riêng của mỗi một quốc gia.

Việt Nam Cộng Hòa đã không có chỗ đứng trong danh mục các hệ thống trị quốc chính quy chính thống chính đạo của nhân loại, mà hình thành giống tình trạng thể chế những quốc gia của các nhà độc tài tàn bạo của Châu Á như Suharto, Park Chung Hee, và Marcos. Để Việt Nam Cộng Hòa được vinh danh như một thể chế chính trị tiên phong đột phá, thiết nghĩ người Mỹ gốc Việt chống cộng nên đấu tranh để từ ngữ tiếng Anh zero-party system hoặc zeroing-party system hoặc nay-party system tức “hệ thống chính trị vô đảng” được chính thức công nhận trong thế giới sử.

Và thiết nghĩ, ai có kinh nghiệm gì thì hoặc từ bi truyền bá thứ ấy cho người khác hoặc khư khư giữ lấy làm của báu riêng. Mỹ chẳng khuyên Anh Quốc dẹp thể chế hơi hướm phong kiến hoàng triều hay Việt Nam dẹp thể chế hơi hướm Mác-xít Lê-nin-nít để theo đa đảng vì Mỹ vừa lịch sự, vừa không có kinh nghiệm về đa đảng, vừa tôn trọng tự do của nước khác, và vừa … khôn lanh muốn giữ ghịt lấy cái “lưỡng đảng” tuyệt diệu cho riêng mình. Việt Nam không khuyên Mỹ dẹp thể chế đã chẳng sang hơn ai (vì “hơn” Việt Nam có mỗi một đảng chứ chẳng nhiều nhặn gì) mà còn bị chính thế giới tự do nhạo báng là “twin-party system” tức chế độ đảng song sinh do chỉ khác ở tên gọi chứ giống y như khuôn đúc, để theo đa đảng vì Việt Nam vừa lịch sự, vừa không có kinh nghiệm về đa đảng (kiểu “đa” mà không “đa”, và “lưỡng” nhưng song sinh chỉ toàn tư bổn), vừa tôn trọng tự do của nước khác, và vừa … khôn lanh muốn giữ ghịt lấy cái “độc đảng” tuyệt diệu cho riêng mình. Mỹ chẳng khuyên Việt Nam đa đảng bao giờ vì Mỹ chẳng có kinh nghiệm gì sất về đa đảng. Còn Việt Nam tuy có nhiều kinh nghiệm về đa đảng do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thực sự đã đa đảng nhưng do nhận ra sức mạnh to lớn đặc trưng Việt của đoàn kết một lòng đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tự giải tán để hòa nhập vào Đảng Cộng Sản nên cũng chẳng dại gì vớ lấy cái đa đảng mà mình đã vất đi và cái đa đảng vớ va vớ vẩn được phát từ loa của những kẻ non nớt, không chuyên, không kinh nghiệm, thuộc cộng đồng thiểu số của Hợp Chủng Quốc

Đăng nhận xét

0 Nhận xét