ANH HÙNG LÊ MÃ LƯƠNG: CHƯA CÓ GIẶC MÀ ĐÃ HÈN NHÁT THẾ THÌ...

trelang



“Hiện tượng dạy nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự là điều rất lạ lẫm với dân tộc Việt Nam, lạ lẫm với tính cách người Việt Nam nhưng tôi cho rằng số lượng người như vậy không nhiều. Người Việt Nam không hèn thế”.

LTS: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương với câu nói nổi tiếng: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” từng trở thành thần tượng của bao thế hệ thanh niên Việt Nam.

Xoay quanh thông tin về việc có nhiều thanh niên tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự cũng như có những thông tin trên nhiều diễn đàn bày cách trốn nghĩa vụ quân sự, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Mã Lương về vấn đề này.


Thiếu tướng Lê Mã Lương - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

“Họ không xứng đáng là người Việt Nam”

PV: Thưa thiếu tướng, ông thấy như thế nào khi người ta bày cách cho nhau để tránh phải đi nghĩa vụ quân sự?

Tướng Lê Mã Lương: Trong thời bình, các quốc gia bao giờ cũng có sách lược chuẩn bị đối phó với bất kỳ tình huống nào để bảo vệ đất nước. Lực lượng bảo vệ là thanh niên. Kể cả những nước phát triển và đang phát triển đều có luật nghĩa vụ quân sự thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước. Thường độ tuổi đó từ 18-25 tuổi.

Khi tôi nghe chuyện một số thanh niên như vậy tôi thấy họ rất đáng trách và không hài lòng với cách làm như vậy. Đó là sự hèn nhát của người đang trưởng thành. Trong thời bình, chúng ta phải chuẩn bị lực lượng để khi có chiến tranh thì đã có lực lượng thanh niên vừa bản lĩnh, vừa có trình độ nhất định về quân sự, có sức khoẻ sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Việc những thanh niên dạy nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự thể hiện rằng họ không ý thức được điều mình làm và vô hình chung họ đã phạm vào một điều thiêng liêng đó là trách nhiệm công dân đối với đất nước.

Tại sao họ lại hèn đến như vậy? Chưa có giặc mà đã hèn nhát như thế thì khi có giặc sẽ hèn như thế nào nữa? Thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình mà còn hèn như vậy thì trong các lĩnh vực khác, các thanh niên đó cũng rất hèn và đáng lên án.

Trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hiện tượng phổ biến trên thế giới nhất là khi đất nước hoà bình nhưng số lượng không nhiều. Còn ở Việt Nam, hiện tượng trốn tránh nghĩa vụ quân sự và dạy nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự là điều rất lạ lẫm với dân tộc Việt Nam, lạ lẫm với tính cách người Việt Nam nhưng tôi cho rằng số lượng người như vậy không nhiều.

Người Việt Nam không hèn thế. Họ không xứng đáng là người Việt Nam vì có lỗi với những thế hệ đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc để họ có cuộc sống yên bình như ngày hôm nay. Họ đã quay lưng lại với truyền thống kiên cường chống giặc ngoại xâm của tổ tiên. Dưới góc độ nào đó, cách hành xử của những thanh niên đó là một tội ác cần lên án.

PV: Ông đánh giá như thế nào về một số cách được bày ra để một số thanh niên có thể áp dụng nhằm trốn thực hiện nghĩa vụ quân sự?

Tướng Lê Mã Lương: Các cách đó rất trẻ con mà ai cũng biết. Những cách này chưa hành động thì người ta đã biết rồi.

Các thanh niên đó đừng tưởng những nhà chức trách, quản lý không biết việc đó vì hiện tượng này không phải mới mà đã có hàng chục năm nay rồi. Hiện, Bộ Quốc phòng đang có chính sách để tuyển quân có chất lượng.

Trong chiến tranh, nhiều nhà lãnh đạo đã động viên con cháu mình lên đường tham gia cuộc chiến giải phóng đất nước. Trong số đó, tôi rất nhớ đến trường hợp nhà tướng Đồng Sỹ Nguyên khi ông có con trai tham gia quân đội và đã hy sinh. Nhân dân ghi nhận sự trong sáng và mẫu mực của các nhà lãnh đạo.

Tôi rất hy vọng thời bình này, để chuẩn bị tiềm lực cho đất nước phòng khi hữu sự thì ngay bây giờ, các đồng chí lãnh đạo cũng thể hiện sự mẫu mực như thời chiến tranh chống Mỹ.

PV: Thời của ông có những người tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự như thế không? Và thời đó, xã hội đánh giá những người này như thế nào?

Tướng Lê Mã Lương: Thế hệ chúng tôi, cuộc chiến tranh xảy ra trên quy mô rộng, đất nước huy động đông đảo thanh niên lên đường đi chiến đấu giúp đất nước và nước bạn. Cho nên trong những năm tháng chống Mỹ, lực lượng thanh niên tham gia quân đội vô cùng lớn.

Khi đó, hầu hết ở các làng quê chỉ có người gia và phụ nữ. Nếu còn sót lại thanh niên nào đó mạnh khoẻ thì người đó sẽ cảm thấy xấu hổ và cô đơn, sẽ bị ánh mắt của những người hàng xóm nhìn thiếu thiện cảm với câu hỏi vì sao không gia nhập quân đội.

Thời chiến tranh, có những thanh niên gia nhập rồi nhưng không chịu được môi trường sống khắc nghiệt, những áp lực sẵn sàng nhận nhiệm vụ nên đã bỏ trốn. Hậu quả là gia đình có con như vậy cảm thấy xấu hổ khi con mình không hoàn thành nghĩa vụ công dân đối với đất nước đang có chiến tranh.

Vì thế, trước đây ở miền Bắc có những trung tâm thu gom các thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự, đào ngũ để cải tạo về mặt tư tưởng, nâng cao ý chí. Lúc đi ăn cơm, họ phải đeo trước ngực 1 cái biển ghi: “Nếu ai cũng như tôi thì mất nước”. Đó là biện pháp cuối cùng của giáo dục.

Thời đó, chúng ta không có luật nghĩa vụ quân sự. Hợp tác xã lo ăn mặc, chữa bệnh để thanh niên đủ điều kiện ra mặt trận. Ở các phường có biện pháp nuôi quân để đảm bảo với cấp trên về quân số và tiêu chuẩn quân nhập ngũ. Đó là thời hào hùng của dân tộc này.

Khi ý thức được trách nhiệm với đất nước, lòng tự hào dân tộc trỗi dậy thì người ta sẽ gác hết mọi việc riêng để làm tròn trách nhiệm với đất nước.

Đối với Việt Nam, nhiều năm nay chúng ta đã có luật. Nếu để hiện tượng tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự diễn ra trong thời gian dài thì sẽ tạo 1 mối nguy hiểm cho đất nước. Rất có thể, hiện tượng này sẽ phát triển mạnh và trở thành ung nhọt của đất nước...

PV: Xin cảm ơn ông!

---------------

THAM KHẢO:

Sửng sốt chuyện dạy nhau trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách hủy hoại bản thânBBT - theo Trí Thức Trẻ | 08/07/2013 20:00

Dạo quanh một số diễn đàn, mạng xã hội Việt Nam, người ta không khỏi giật mình khi phát hiện thấy chủ đề nóng, thu hút rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ: “Đi nghĩa vụ quân sự - trốn như thế nào?”.


Trên một diễn đàn, thành viên có nick Nofear87 đã mở đầu chủ đề với nội dung như sau:

“Tình hình là rất tình hình, dạo này thấy dân Phường rất hay gọi nghĩa vụ quân sự ( từ 18-25 tuổi) Anh em nào biết cách trốn đi nghĩa vụ quân sự thì ý kiến tham mưu cho anh em với, chứ đi 2 năm chả vui tý nào.

Nghe mấy đàn anh đi trước kể thì chỉ trốn bằng các cách sau (chúng tôi đã chủ động lược bỏ những chỉ dẫn cụ thể vì quá phản cảm và trái pháp luật - PV)

1 - Đút tiền

2 - Quan hệ quen biết

3 - Đi học thì xin giấy của...( cái này chỉ được miễn 1 lần ) 23t tốt nghiệp đại học đến 25t vẫn bị gọi đi kể cả có học cao học hay như thế nào đi nữa. ( chỉ trừ làm nghiên cứu khoa học hoặc giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan nhà nước)

4 - Phá hoại sức khỏe bản thân để đến khi khám thì được miễn luôn không phải đi nữa.

5- Xin ra nhập.... địa phương 8 ngày 1 tháng làm trong 4 năm sẽ miễn không đi nghĩa vụ 2 năm.

6 - Có 1 vài hình...trên người ( cái này mới nghe nói không biết đúng ko?) Vậy Anh Em ai có cách gì ý kiến giúp đỡ nhau nhé, miễn đi càng tốt.”


Thanh niên lên đường nhập ngũ 

Dường như chạm đúng “chỗ ngứa”, ngay sau khi được đăng tải, đoạn nội dung trên đã thu hút được sự quan tâm của các thành viên mọi lứa tuổi trong diễn đàn. Nhiều thành viên tỏ ra đồng tình với “chủ thớt” như: “Mình cũng đang rất muốn biết các phương pháp cụ thể như thế nào đây. Phường mới báo gọi đi. Người gày còm quá, giờ mà phải đi nghĩa vụ quân sự thì đi về chắc chỉ còn là con mực khô”, Thành viên có nick Only.one chia sẻ.

“Giờ tìm được việc làm rồi mà phải đi nghĩa vụ thì đúng là khổ, vấn đề này mình cũng đang rất quan tâm”, thành viên Thecuonghtc bình luận.

“Giả dụ đất nước mà có chiến tranh thì không gọi cũng đi, chứ còn đi nghĩa vụ thì tốt nhất là nên né”, thành viên Supportgame bình luận.

Để ủng hộ chủ đề “trốn nghĩa vụ quân sự”, đã có rất nhiều phương pháp, lời khuyên được các thành viên mang ra chia sẻ và tranh luận mà chúng tôi quyết định không nêu ra đây

Thành viên Kemgano1 chia sẻ: “Khi kiểm tra sức khỏe biếu bác sĩ 500 nghìn hay 1triệu, rồi ghi chữ...vào đấy là được miễn đi ngay”.

Hay cũng có những thành viên chia sẻ kinh nghiệm của bản thân một cách chi tiết và tỉ mỉ: “Thấy bày cách trốn đi nghĩa vụ mới nhớ 2 năm nay chưa thấy chỉ huy quân sự phường sang gọi nghĩa vụ. Mình bày cho các bạn 1 cách nhé, cách này mình thực hiện cũng 2 năm nay rồi.... (chúng tôi đã cắt bỏ đoạn này - PV)

....Đợi giấy gọi.... rồi nộp hồ sơ vào học, gọi là nộp hồ sơ nhưng thực chất lấy cái giấy báo ....đem lên ban chỉ huy quân sự phường xin giấy chuyển nghĩa vụ .

“Tham gia dân quân tự vệ là cách hay đấy . Mình tham gia thế là được anh chỉ huy trưởng quân sự phường xác nhận cho.... , không phải đi luôn. Đã thế đi dân quân còn được tiền cơ”, thành viên Duc1111 chia sẻ.

“Có hình xăm trên người thì vẫn phải đi thôi, tốt nhất là điền vào giấy khám sức khỏe một loại bệnh nào đấy thì sẽ được miễn, hoặc gia đình ai có điều kiện thì đi du học…”, thành viên Nhok12 bình luận.

Tuy nhiên, theo một số thành viên khác, những thủ đoạn này đã được áp dụng từ lâu và không thể qua mắt được cơ quan tuyển quân. "Nếu ai nghĩ rằng, bằng mấy thủ đoạn như thế này mà có thể trốn nghĩa vụ quân sự được thì quá sai lầm. Bên quân sự đã biết từ lâu. Những kẻ trốn sẽ phải trả giá đắt cả trong lương tâm và ngoài cuộc sống, nếu họ cố tình trốn tránh trách nhiệm công dân, trách nhiệm đối với tổ quốc" - thành viên Alibaba khẳng định.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét