ĐỀ XUẤT BỎ HÌNH PHẠT TỬ HÌNH VỚI 7 TỘI DANH

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: Cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.

Vụ án ma túy ở Quảng Ninh vừa được đưa ra xét xử có tới 30 án tử hình (Ảnh: Quốc Đô).
Vụ án ma túy ở Quảng Ninh vừa được đưa ra xét xử có tới 30 án tử hình (Ảnh: Quốc Đô).
Tại hội thảo “Một số định hướng cơ bản của dự án Bộ Luật hình sự (sửa đổi)” do UB Tư pháp của Quốc hội tổ chức hôm qua (24/3), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, dự án luật sẽ có những đổi mới theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội.
Cụ thể, dự thảo luật đề xuất bỏ hình phạt từ hình đối với 7 tội danh gồm: Cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoạt hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy; các tội danh khác có hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Ông Nguyễn Tất Viễn - Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho biết, Bộ luật Hình sự hiện hành có 22 tội danh quy định xử hình phạt tử hình, nếu bỏ đi 7 tội thì vẫn còn là quá cao.
“Tử hình là hình phạt tước đi quyền sống - quyền quan trọng nhất của con người nên việc kết án tử hình cũng đồng thời tước bỏ cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và phục thiện, loại trừ khả năng khắc phục oan sai có thể xảy ra trên thực tế”- ông Viễn nói và cho rằng việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình là hết sức cần thiết.
Đồng tình với ông Viễn, Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết trong quá trình thảo luận, góp ý cho dự thảo bộ luật này đã có nhiều ý kiến cho rằng nên loại bỏ tử hình ở một số tội danh khác nữa.
“Tội hiếp dâm trẻ em có thể xem xét vì khi áp dụng hình phạt tử hình thì phải kèm theo những hành vi đặc biệt nghiêm trọng như giết người. Tuy nhiên trường hợp này ít khi xảy ra. Còn với tội tham nhũng thì vẫn nên tiếp tục giữ án tử hình bởi đây là loại tội phạm gây bất ổn trong xã hội, nếu không trừng trị nghiêm sẽ mất lòng tin của người dân trong đấu tranh chống tham nhũng”- ông Sơn bày tỏ quan điểm. 
Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) - băn khoăn về việc giảm hình phạt án tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển ma túy bởi việc buôn bán, vận chuyển chất ma túy vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm.
Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao bày tỏ, nếu cho rằng phải trấn áp, xử phạt thật mạnh, thật nặng thì tội phạm mới giảm thì đó là quan điểm sai lầm.
Điều quan trọng nhất trong chính sách hình sự cần hướng, theo ông Độ, chính là hướng đến tính hướng thiện. Ông Độ ví dụ về vụ án buôn bán ma túy tại Quảng Ninh mới được đưa ra xét xử mới đây. “Nếu đúng theo quy định của pháp luật thì có thể 60 trường hợp bị áp dụng án tử hình, nhưng qua cân nhắc, tòa đã chỉ tuyên án tử đối với 30 trường hợp”- ông Độ nói.
          Đề xuất áp dụng trở lại hình phạt tử hình với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ông Trương Việt Toàn - Phó chánh tòa hình sự, TAND Hà Nội - đề xuất áp dụng trở lại hình phạt tử hình đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là hình phạt trước đây đã từng áp dụng nhưng sau đó bãi bỏ.
Theo ông Toàn, thời gian qua lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra rất phức tạp. “Chúng tôi đã xét xử những trường hợp lừa đảo 20 tỉ đồng nhưng do bị can nuôi con nhỏ nên được tại ngoại và lại tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo” - ông Toàn dẫn ví dụ
Trong khi đó, một giảng viên Đại học Luật Hà Nội nêu lại vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo hơn 4.000 tỉ đồng mà không thể tuyên án tử hình. Vị này đặt câu hỏi, có thể vì đối tượng này biết có lừa 10 tỷ, 20 tỷ hay hàng trăm tỷ thì cũng không bị tử hình? “Nếu biết có thể bị tử hình, chắc là Huỳnh Thị Huyền Như sẽ không dám lừa đảo lớn như thế”- ông này nói.

Kha Xuân Lộc

Đăng nhận xét

0 Nhận xét