Kể từ khi máy nghe nhạc (Walkman, iPod, MP3, MP4) rồi tiếp theo là ĐTDĐ có chức năng lưu trữ bài hát ra đời, người ta đã quen thuộc với hình ảnh những thanh thiếu niên tai đeo headphone hoặc earphone, lắc lư ngoài đường phố, trong quán cà phê, cạnh hồ bơi, bãi biển hoặc gật gù trên xe bus theo tiếng nhạc…
Theo một thống kê của Hiệp hội Ghi âm, băng đĩa Mỹ, năm 2014 đã có khoảng 600 triệu chiếc máy nghe nhạc các loại được bán ra. Tuy nhiên, rất ít "tín đồ" trung thành với loại hình giải trí này biết rằng, họ hoàn toàn có thể bị điếc suốt đời nếu nghe nhạc với âm lượng lớn…
"Khoảng 1 tỉ thanh thiếu niên - nghĩa là gần 1/6 dân số toàn cầu đang đứng trước nguy cơ bị điếc vĩnh viễn vì nghe nhạc bằng headphone, earphone với âm lượng lớn…", đó là nội dung của một báo cáo vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hồi đầu tháng 2 vừa qua.
Headphone là loại thiết bị có thể chụp kín cả vành tai còn earphone thì nhỏ hơn, thường nhét gọn vào lỗ tai. Theo WHO, kết quả khảo sát cho thấy khoảng 1 tỉ - trong tổng số 2 tỉ thanh thiếu niên cả nam lẫn nữ trên toàn thế giới ở độ tuổi từ 12 đến 25 có sở thích nghe nhạc bằng các máy nghe nhạc cá nhân như Walkman, iPod, MP3, MP4, ĐTDĐ với tai nghe earphone, hoặc đeo headphone để nghe âm thanh trò chơi trên máy vi tính nhưng âm lượng được mở rất lớn, và nghe bình quân trên 6 tiếng/ngày.
Thậm chí, có người nghe suốt 10 tiếng kể cả lúc ngủ, earphone vẫn nhét chặt vào tai. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều người đang tự đặt mình vào những tình huống nguy hiểm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thính giác khi họ đến các quán bar, các câu lạc bộ đêm (night club) hoặc các sự kiện thể thao, thời trang, âm nhạc và ở đó vài ba tiếng đồng hồ. Những nơi này thường mở nhạc rất lớn, chưa kể bản thân sự kiện cũng có vô số tiếng ồn.
Vẫn theo khảo sát của WHO, tùy theo hãng sản xuất, các thiết bị nghe nhạc cá nhân có mức âm lượng tối đa từ 75 - 136 decibels; và người nghe thường chọn âm lượng từ 75 đến 105 decibels. Tại các câu lạc bộ đêm và các quán bar, vũ trường, mức âm lượng dao động trong khoảng 104 - 120 decibels, còn tại những buổi nhạc sống - live concerts - mức âm lượng gần như tương đương với tiếng nổ của một động cơ máy bay phản lực.
Decibel là đơn vị đo cường độ sóng âm thanh. Tai người có thể phân biệt được 34.000 âm thanh khác nhau nhưng nếu cường độ sóng âm ở dưới mức 10 decibels - chẳng hạn như tiếng gió thổi nhẹ thì không nghe được, còn nếu vượt quá 140 decibels sẽ xuất hiện hiện tượng đau buốt trong tai, thậm chí màng nhĩ có thể bị rách.
Theo bác sĩ Đỗ Hồng Giang, Phó khoa Thính học, Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP HCM thì một sự vang âm quá mạnh trong ốc tai sẽ gây ra trạng thái kích thích, hậu quả là làm mệt thính giác. Sau đó, trầm trọng hơn là sự mất thính giác đối với những tần số cao.
Đeo earphone, headphone để nghe nhạc, chơi trò chơi trên máy tính suốt nhiều tiếng đồng hồ sẽ xuất hiện cảm giác như lỗ tai bị bít lại, ù tai, chóng mặt, nhức đầu, tức ngực, hoa mắt, mệt mỏi toàn thân…, và đó có thể là những biểu hiện của chấn thương âm thanh cấp tính, đe dọa chức năng thính giác.
Trong báo cáo dài 11 trang, WHO còn cho thấy việc sử dụng earphone để nghe nhạc khi đi đường không chỉ gây ảnh hưởng đến thính giác mà còn gây ra những hệ quả xấu khác. Chẳng hạn như nghe nhạc lúc đi bộ hoặc đạp xe, lái xe trên đường, hoặc đang thao tác trên những công cụ sản xuất, người nghe sẽ nghe rất nhỏ hoặc không thể nghe thấy các âm thanh xung quanh như tiếng còi xin đường, còi cảnh báo, tiếng kêu bất thường của công cụ...
Nghe nhạc bằng earphone, headphone hiện là trào lưu thời thượng của giới trẻ. |
Chính điều này đã gây ra các vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng vì mất thính lực. Bác sĩ Lâm, chuyên khoa Tai Mũi Họng BV Đại học Y Dược, TP HCM cho biết: "Các chuyên gia xác định nguy cơ mất thính lực thông qua 3 yếu tố, một là cường độ âm thanh hay còn gọi là độ lớn, hai là thời gian tiếp xúc với âm thanh và ba là cách mà người ta nghe âm thanh ấy".
Theo tiến sĩ Etienne Krug, Giám đốc Cơ quan Phòng chống thương tổn của WHO: "Đừng nên nghĩ rằng nghe nhạc với âm lượng lớn trong một thời gian ngắn sẽ không sao bởi lẽ nghe với âm lượng trên 85 decibels trong vòng 8 giờ đồng hồ hoặc nghe với âm lượng 100 decibels trong 15 phút đều nguy hiểm như nhau: WHO đang cố gắng nâng cao nhận thức của mọi người về một vấn đề sức khỏe mà lâu nay ít được quan tâm. Điếc không phải là điều mới mẻ trong y khoa và trong lịch sử loài người nhưng càng ngày, con người càng tự đưa mình đến gần hơn với mối nguy hiểm ấy. Tỷ lệ người trẻ bị điếc do lạm dụng máy nghe nhạc càng lúc càng tăng cao mà lẽ ra, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được".
Không chỉ WHO, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Maryland School of Medicine và Đại học Maryland Medical Center đã cho thấy, khi việc sử dụng các thiết bị nghe nhạc cá nhân tăng lên thì nguy cơ bị thương tích do mất tập trung cũng tăng lên.
Tiến sĩ Richard Lichenstein, Trưởng nhóm nghiên cứu đồng thời là Trưởng khoa Cấp cứu tại Đại học Maryland Medical Center cho biết: "Ai cũng nhận thức được nguy cơ của việc sử dụng ĐTDĐ và nhắn tin khi lái xe, nhưng chẳng ai để ý đến hiện tượng ngày càng nhiều thanh thiếu niên bị phân tâm do đeo earphone hay headphone. Sự phân tâm ấy dẫn đến nhiều tai nạn trong lúc các nhà sản xuất ngày càng cho ra đời nhiều thiết bị nghe nhạc tối tân hơn và hấp dẫn với giới trẻ hơn”.
Ngay từ những năm 80 thế kỷ trước, các nhà âm học đã cảnh báo về những tác hại có thể gây ra khi sử dụng headphone, earphone không đúng cách mà cụ thể nhất là điếc. Một khảo sát gần đây của kênh truyền hình chuyên về ca nhạc MTV của Mỹ cho thấy, phần lớn thanh thiếu niên thờ ơ với những cảnh báo đó dù một nửa số người khi được hỏi đều công nhận là bị ù tai sau mỗi lần nghe nhạc âm lượng cao. Tiến sĩ Martine Hamann thuộc Đại học Leicester cho biết, việc mở âm lượng earphone, headphone quá cao có thể phá hủy lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh, dẫn đến tình trạng điếc tạm thời.
Những tế bào thần kinh chuyển tải tín hiệu từ tai đến não có một lớp phủ gọi là bao myelin, giúp các tín hiệu di chuyển dọc theo tế bào. Việc tiếp xúc với những tiếng ồn lớn - trên 110 decibels - có thể làm cho các tế bào mất đi lớp bao myelin, làm gián đoạn các tín hiệu. Điều này có nghĩa là các dây thần kinh không thể chuyển tải hiệu quả thông tin từ tai đến não. Bên cạnh đó, việc thường xuyên chịu đựng tiếng ồn lớn còn là nguyên nhân hình thành khối u ở tai. Khối u tuy phát triển chậm nhưng theo thời gian, nó sẽ gây chèn ép lên các dây thần kinh sọ não, làm giảm thính lực, mất đi khả năng nhận biết âm thanh rồi sau cùng là điếc.
Theo khuyến cáo của WHO, để hạn chế ảnh hưởng không tốt đến thính lực khi nghe nhạc bằng các loại earphone, headphone thì nên điều chỉnh sao cho mức âm lượng không quá 60% so với mức cao nhất. Chọn các loại earphone, headphone vừa khít với tai để không phải tăng âm lượng do ảnh hưởng của môi trường bên ngoài. Chỉ nên nghe vào những lúc thảnh thơi, rỗi rãi. Nên nhớ rằng nếu mở âm lượng càng to thì thời gian nghe lại càng phải rút ngắn và tốt nhất là chỉ nên nghe không quá 1 giờ mỗi ngày.
0 Nhận xét
Cảm ơn, chúc bạn vui vẻ !