Người Mỹ bị giám sát bằng "hộp bẩn" hàng chục năm qua
Thiết bị này, được gọi là "hộp bẩn" (dirtbox), được dư luận Mỹ biết đến lần đầu năm 2014 nhưng giờ họ mới biết đến cái bắt tay giữa CIA và Cục Cảnh sát Mỹ (trực thuộc Bộ Tư pháp).
Chiếm một diện tích khoảng 0,19 m2 khi được lắp trên máy bay cỡ nhỏ để "chu du" 5 thành phố lớn ở Mỹ, "hộp bẩn" thu tín hiệu điện thoại di động bằng cách giả làm cột phát sóng điện thoại di động, "lừa" điện thoại di động tưởng rằng đang gửi tín hiệu tới cột phát sóng và tiết lộ thông tin đăng ký.
Thiết bị này sử dụng công nghệ thu thông tin về "nhận dạng thuê bao di động quốc tế" - một hệ thống nhận dạng mà các mạng điện thoại dùng để xác định một thuê bao nào đó.
Thiết bị phát ra tín hiệu điều khiển mạnh hơn tín hiệu của các cột phát sóng điện thoại di động của nhà cung cấp dịch vụ.
Do tín hiệu của "hộp bẩn" mạnh hơn nên mọi điện thoại di động trong phạm vi phủ sóng của nó sẽ cung cấp số nhận dạng thuê bao di động quốc tế và số seri điện tử.
Ngoài khả năng tìm điện thoại của đối tượng, "hộp bẩn" còn có thể làm nghẽn mạng trong một thời gian ngắn để làm gián đoạn hoặc vô hiệu hóa cuộc gọi của một điện thoại nào đó. "Hộp bẩn" cũng có thể lấy dữ liệu từ một điện thoại.
Thiết bị này thực hiện tất cả các chức năng trên mà không gây cản trở tới hoạt động của mạng không dây và qua mặt được các công ty điện thoại. Có thể nói "hộp bẩn" là "con lai" giữa 3 loại công nghệ: phát hiện, tiếp cận có kiểm soát và làm nghẽn.
Mỗi lần quét, thiết bị có thể "hớt" thông tin về vị trí của hàng ngàn điện thoại di động. Dữ liệu điện thoại không phải của nghi phạm sẽ được "thả ra", quay về với mạng điện thoại thật và thiết bị này chỉ tập trung vào các số điện thoại đang bị truy tìm.
Khi phát hiện số điện thoại của đối tượng, máy bay gắn công nghệ "hộp bẩn" tiến gần nghi phạm và có thể xác định vị trí của chiếc điện thoại trong vòng 3 mét hoặc trong một căn phòng cụ thể.
Các liên lạc thực hiện từ điện thoại của nghi phạm có thể bị nghe lén. Các biện pháp mã hóa đều không thể chặn được "hộp bẩn".
|
CIA đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Cục Cảnh sát Mỹ phát triển công nghệ này cách đây 10 năm. CIA đã thu xếp để Cục Cảnh sát Mỹ nhận 1 triệu USD để thực hiện công việc theo dõi.
Hai cơ quan này phối hợp với nhau nhiều năm trời để phát triển công nghệ "hộp bẩn" - cũng là các thiết bị được dùng ở nước ngoài để tìm nghi can khủng bố.
Quá trình nghiên cứu và phát triển thiết bị "hộp bẩn" tốn hơn 100 triệu USD. CIA và Cục Cảnh sát Mỹ bắt đầu thử nghiệm thiết bị trên thực địa vào năm 2004.
Năm 2005, CIA trao công nghệ cho Cục Cảnh sát Mỹ để thực hiện giám sát các loại điện thoại di động, vừa xác định chủ thuê bao mà không cần xin lệnh tòa án, vừa nghe lén các cuộc gọi.
Năm tiếp theo, hai cơ quan này bắt đầu thử nghiệm cách xâm nhập các hệ thống điện thoại di động phổ biến ở Mỹ. Năm 2008, CIA lại giao cho Cục Cảnh sát Mỹ một "hộp bẩn" phiên bản mới, lúc đó giá 500.000 USD/chiếc để thử nghiệm giám sát các điện thoại di động đời mới. Từ đó, cứ vài tháng, các máy bay chở "hộp bẩn" lại "xuất kích" một lần.
Cục Cảnh sát Mỹ không chỉ dùng duy nhất công nghệ giám sát điện thoại trên diện rộng. Tháng 1 vừa qua, tờ USA Today tiết lộ có tới 200 thiết bị giám sát tên là Rang-Rs đã được mua ở Mỹ.
Thiết bị này dùng sóng vô tuyến giúp các cơ quan thực thi pháp luật có khả năng nhìn qua tường, có thể phát hiện hơi thở của con người cách 15 mét.
0 Nhận xét
Cảm ơn, chúc bạn vui vẻ !