Các nhà khảo cổ học Trung Quốc vừa phát hiện một cổ vật quý giá, giúp phần nào lý giải tại sao Tần Thủy Hoàng khi xưa có thể “bình thiên hạ” và trở thành vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa.
Một chiếc nỏ có niên đại 2.200 năm tuổi vừa được tìm thấy trong khu lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Theo các nhà khảo cổ người Trung Quốc, chiếc nỏ này có thể bắn xa gấp đôi một khẩu súng trường hiện đại.
Chiếc nỏ đã được tìm thấy trong khu vực chôn đội quân đất nung - một đội quân vốn được chôn theo Hoàng đế Tần Thủy Hoàng với ý nghĩa bảo vệ cho Tần Thủy Hoàng sau khi ông đã qua đời.
Chiếc nỏ mới được tìm thấy hồi tuần qua, trong tình trạng còn nguyên vẹn. Dựa trên cấu trúc của chiếc nỏ, các nhà khảo cổ người Trung Quốc ước tính mũi tên bắn ra có thể bay xa hơn 792m.
Phát hiện này được coi là rất có ý nghĩa đối với những người nghiên cứu lịch sử, bởi họ cho rằng đây có thể là một trong những bí mật giúp vị Hoàng đế đầu tiên của lịch sử Trung Quốc - Tần Thủy Hoàng - “bình thiên hạ”.
Đây là chiếc nỏ đầu tiên được thực hiện từ thời nhà Tần được tìm thấy vẫn còn ở tình trạng nguyên vẹn.
Hiện tại, để tránh việc khiến cây nỏ bị hư hỏng, người ta vẫn để nó nằm tại vị trí đã được tìm thấy - bên cạnh một chiến binh đất nung.
Với kích thước khá lớn, có thể khẳng định được rằng đây là một trong những cây nỏ có sức mạnh lớn nhất thời bấy giờ. Những nhà sử học Trung Quốc cho rằng cây nỏ này có thể là bí mật ẩn sau những chiến thắng quân sự quan trọng của Tần Thủy Hoàng.
Trong khu hầm mộ dành cho đội quân đất nung bảo vệ lăng mộ Tần Thủy Hoàng, người ta đã tìm thấy nhiều vũ khí quân sự thời xưa, nhưng cho tới giờ, cây nỏ vừa được phát hiện vẫn mang nhiều ý nghĩa quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, một chiếc bao chuyên dùng để bảo vệ cung tên trong quá trình binh lính di chuyển ra chiến trường, để không làm ảnh hưởng tới hình dáng, chất lượng của cung tên cũng đã được tìm thấy. Trước đây, các nhà sử học mới chỉ được biết về món đồ này thông qua sách sử, mà chưa từng được trông thấy tận mắt.
Các nhà sử học cho rằng ở thời Chiến Quốc, các nước chư hầu đều cố gắng hoàn thiện các loại binh khí của mình, việc phát hiện ra cây nỏ đầy uy lực của nhà Tần cũng như chiếc bao chuyên dụng để đựng cung tên đã cho thấy một cứ liệu lịch sử quan trọng.
Vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc - Tần Thủy Hoàng - đã được chôn cất trong khu hầm mộ bề thế nhất từng được tìm thấy tại Trung Quốc. Hầm mộ được thực hiện từ hơn 2.000 năm trước
Hầm mộ của Tần Thủy Hoàng nằm ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng ngàn chiến binh đất nung với kích thước bằng người thật, đứng thành hàng.
Hiện tại, khu lăng mộ trung tâm - nơi chôn cất Tần Thủy Hoàng - vẫn chưa được tiến hành khai quật, bởi người ta lo sợ rằng nếu để xảy ra sơ suất, sẽ khiến di chỉ khảo cổ quan trọng này bị tổn hại không cứu vãn được, trong khi những phương pháp khảo cổ hiện nay vẫn bị cho là chưa đủ bảo đảm để tiến hành công việc một cách hoàn hảo nhất.
Theo sách sử, việc xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng bắt đầu từ năm 246 trước Công nguyên và sử dụng đến 700.000 nhân công cùng nhiều thợ thủ công lành nghề, làm việc trong 38 năm. Bao quanh khu lăng mộ chính có một con hào từng được đổ đầy thủy ngân để diệt khuẩn và gây độc đối với những ai xâm nhập vào lăng mộ.
Những khai quật gần đây cũng cho thấy có một hàm lượng thủy ngân khá cao trong đất bao quanh khu lăng mộ, điều này trùng hợp với những ghi chép trong sách cổ. Các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng không loại trừ khả năng, nếu tiến sâu vào trong khu lăng mộ chính này, sẽ còn nhiều bẫy gài đã được thực hiện từ hơn 2.000 năm trước, đang “chờ” họ.
Bích Ngọc
0 Nhận xét
Cảm ơn, chúc bạn vui vẻ !