6700 CÂY XANH Ở HÀ NỘI:"TRÂN TRỌNG Ý KIẾN NGƯỜI DÂN VÌ MỘT HÀ NỘI XANH"

Quyết định của Chủ tịch UBND TP cho dừng chặt cây vào ngày 20/3 sau phản ứng dữ dội của dư luận khiến người Hà Nội tạm yên tâm. Thế nhưng, cây xanh trong tương lai của Hà Nội sẽ ra sao? Chúng ta mong đợi điều gì sau quyết định dù chậm vẫn hơn không này? Phóng viên chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam.

Cây xanh ở Thủ đô Hà Nội đã đi vào thơ ca, nhạc, họa. Mỗi con đường, mỗi hàng cây dường như đều là ký ức, là hơi thở của người dân Hà Nội. Thế nên, một “chiến dịch” chặt cây mang tên “dự án xã hội hoá cây xanh” không chỉ là cuộc thay đổi thông thường liên quan đến cây xanh mà là tác động đến ký ức, tình cảm của người yêu Hà Nội.
Quyết định của Chủ tịch UBND TP cho dừng chặt cây vào ngày 20/3 sau phản ứng dữ dội của dư luận khiến người Hà Nội tạm yên tâm. Thế nhưng, cây xanh trong tương lai của Hà Nội sẽ ra sao? Chúng ta mong đợi điều gì sau quyết định dù chậm vẫn hơn không này? Phóng viên chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Hùng.
Phóng viên (PV): Thưa ông, sự kiện xã hội hoá, loại bỏ, thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội đã dấy lên một phong trào lên tiếng bảo vệ cây xanh ở Thủ đô. Là một người Hà Nội ông nghĩ gì về sự việc trên?
Nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Lân Hùng:  Việc chặt hàng nghìn cây như vậy tôi cho là hơi vội, là không hợp lòng dân. Những người đã ở Hà Nội lâu người ta gắn tình cảm với từng cây trên thành phố, bây giờ chặt cái cây ấy đi như là chặt đứa con, xâm phạm vào người bạn của người ta.
Nhạc sỹ Hoàng Hiệp đi qua hồ Thiền Quang nhớ mãi mùi hoa sữa. Trong bài hát chỉ một câu thôi, người ta cũng nhớ mãi. Nhạc sỹ Hồng Đăng cũng nói đến hoa sữa. Còn những cây khác chắc chắn ở mỗi người đều có tình cảm. Do đó, chặt cây là chúng ta đánh vào tình cảm của người Hà Nội, là đánh vào tình cảm trái tim của Thủ đô, trái tim của đất nước.
PV: Thế nhưng, khi một người có trách nhiệm đã phát ngôn rằng việc chặt cây không cần lấy ý kiến của người dân?
Nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Lân Hùng: Về vấn đề chặt hạ cây xanh ở Hà Nội gây rất nhiều dư luận. Người ta phản ánh, phản ứng rất mạnh về ý kiến của anh Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy rằng không phải hỏi gì cả, đây là trách nhiệm của anh quản lý, của chính quyền.
Đừng để “Dự án xã hội hóa cây xanh” làm mất đi màu xanh của Hà Nội.
Tôi cho rằng trong công việc rất là bộn bề nên có thể anh vội anh nói câu đó, cái đó cần rút kinh nghiệm. Nếu là một cây thì đúng là không phải hỏi. Nhưng mà 6.700 cây xanh thì đúng là một cuộc tàn phá. Tôi tán thành ý kiến một bác cựu chiến binh nói với tôi: “Anh Hùng ơi người ta chặt thế thì khác gì chiến tranh tàn phá” nghe thật đau xót. Bản thân mình thấy đau lắm chứ. Trồng một cây mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm là quý vô cùng. Vậy mà một lúc chặt đi với lý do không chính đáng thì đó là bài học cần phải suy nghĩ.
Ở đây chúng ta cần phải xem xem quyết định của Hà Nội đúng hay sai.  Truyền hình đưa hình ảnh chặt cả những cây chẳng bị làm sao, chẳng sâu mọt gì cả. Vậy thì ở đây phải làm rõ xem lý do vì sao lại chặt cây. Làm đường tàu điện trên cao thì phải chặt, làm đường thì phải chặt, ví dụ những cây đó bị sâu mục thì phải bỏ đi, ví dụ những cây đó tạo ra độc tố thì phải bỏ đi. Tất cả những cây đó phải có lý do chính đáng và phải cụ thể từng loại cây chứ không phải một lúc mà triệt hạ 6.700 cây liền một lúc thì cá nhân tôi cho rằng vội và thiếu chính xác. Có thể chủ trương là đúng nhưng cách làm chưa hợp lý.
PV: Sau quyết định dừng chặt cây vừa ban hành, người dân Hà Nội chờ đợi và hy vọng một điều gì đó tốt đẹp cho tương lai cây xanh. Theo ông, lãnh đạo Thủ đô và cơ quan quản lý cần phải làm gì trong thời gian này?
NNC Nguyễn Lân Hùng: Có thể các chuyên gia có nhiều ý kiến. Tôi chỉ nói ở góc độ nhỏ của người dân Hà Nội đã gắn bó với Thủ đô 60 năm thì tôi thấy quyết định chặt cây ấy cần được cân nhắc. Và nếu giữ được cây nào thì cũng nên giữ. Cây xanh ở Thủ đô hầu như có hồn với người Hà Nội, nó gắn bó trong những vần thơ, trong những nét nhạc, trong những đoạn văn và trong cả tình cảm tâm tư của nhiều người. Có những chiến sỹ ra đi không bao giờ trở lại, hy sinh trên chiến trường nhưng họ nhớ về Thủ đô, nhớ về bờ Hồ với những bóng cây rợp mát. Rất mong các đồng chí lãnh đạo Thủ đô cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định chặt hàng loạt.
Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố đã có quyết định và có nói chủ trương là đúng, nhưng phải cho dân hiểu. Vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên khi thay cây nên có hội đồng khoa học cấp nhà nước, nếu không thì phải lấy ý kiến rộng rãi qua báo chí, sau đó Hội đồng nhân dân sẽ quyết định.
Tôi cũng đề nghị thế này, trong quá trình chọn lọc cây cho thành phố, các chuyên gia cố gắng học tập các nước trong vùng mà người ta đã đưa cây xanh vào, học tập các thành phố trong đất nước mình để có thêm kinh nghiệm, tham khảo ý kiến rộng rãi của các chuyên gia nông nghiệp, lâm nghiệp, của các nhà sinh học trong cả nước để chúng ta đưa ra một phương án hợp lý nhất, vừa làm cho Thủ đô chúng ta xanh, đẹp, bầu không khí tốt lành. Cây là vĩnh cửu, thay cây không nên vội vã. Cây đưa vào phải tính toán tồn tại khoảng 50 năm hoặc lâu hơn nữa. Những cái đó rất nên trưng cầu ý kiến rộng rãi.
PV: Nhiều người không đồng tình khi Hà Nội chọn cây vàng tâm để thay thế ở một số tuyến phố. Chúng ta nên chọn cây gì để phù hợp với đô thị Hà Nội, thưa ông?
NNC Nguyễn Lân Hùng: Tôi không hiểu sâu về lâm nghiệp nhưng tôi chưa thấy ở đâu đưa cây vàng tâm vào đô thị. Mưa bão đã từng gây đổ nhiều cây ở Hà Nội, trong đó hầu hết là cây xà cừ. Cũng không nên trồng cây xà cừ vì cành xà cừ rất to, to như thân, nếu phát triển lệch, chỉ cần một cơn gió là có thể đổ được. Cây xà cừ rễ nông nên nó có thể độn đường, hè, dễ đổ. Theo tôi, nên trồng cây sấu, cây cơm nguội, cây long não… nhưng không nên trồng quá nhiều sấu mà phải hài hoà nhiều loại cây. Cây trồng thành phố phải có mấy yêu cầu, thứ nhất phải có rễ chắc, có lá xanh quanh năm và nếu nó có hoa đẹp thì rất tốt.
Bây giờ Thủ đô đã là một Hà Nội mới, những con đường từ Đông sang Tây phải rộng tới mấy chục cây số. Vậy thì các con đường đó cũng phải được bao phủ cây xanh. Trong các cây trồng trên đường phố, số 1 vẫn là cây sấu. Nó mọc không cao lắm, tán rộng, lá xanh và lại xanh quanh năm. Đó là còn chưa nói cây sâu là cây lâm nghiệp đa tác dụng. Một cây nữa tôi cũng rất thích đó là cây long não. Cây long não trồng từ thời Pháp bây giờ vẫn còn nguyên. Cây long não diệt khuẩn, lọc không khí. Dưới  bầu không khí có cây long não thì bầu không khí sạch hơn, mát mẻ, long não cũng là cây xanh quanh năm, không bị gẫy đổ, dáng đẹp, hoa đẹp…
Ở ngoại thành tôi thấy có 1 cây rất nên đưa vào là cây gạo. Hoa gạo trên đường quốc lộ có thể trồng xa 5-7m nhưng tán lại vươn vào đường quốc lộ, đảm bảo tầm nhìn của lái xe. Ngoài ra nên chọn những cây có hoa đẹp như lim, phượng, bằng lăng để xen vào các dãy phố, đặc biệt là các khu công viên, khu dân cư, làm cho bộ mặt thành phố bừng sáng bởi những bông hoa. Quanh các hồ nước nên đưa những cây phù hợp như liễu, để tạo cảnh quan.
Hà Nội là Thủ đô nên cố gắng có hình ảnh của cây cối khắp đất nước. Chúng ta nên dành một diện tích để giới thiệu những cây ở phía Nam có thể trồng ở Hà Nội.
PV: Xin cảm ơn ông!
Việt Hà

Đăng nhận xét

0 Nhận xét