CHÍNH SÁCH BIỂN KHÓ LƯỜNG CỦA TRUNG QUỐC




Hãy thử hình dung nếu Hawaii của Mỹ thông qua đạo luật cho phép cảnh sát biển lên tàu và nắm giữ các tàu thuyền nước ngoài hoạt động ở phạm vi 1.000 km từ Honolulu.

Nhưng đó lại là điều diễn ra ở Trung Quốc một tuần trước đây.

Tại tỉnh Hải Nam - nơi có những khu nghỉ dưỡng bên bờ biển và cũng là nơi có một trong những căn cứ hải quân lớn nhất của Trung Quốc - chính quyền địa phương đã cho phép cảnh sát được tiếp cận, kiểm tra và thậm chí là bắt giữ các tàu nước ngoài mà họ gọi là "hoạt động trái phép ở vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc".

Chính sách mập mờ

Vào thời điểm cộng đồng quốc tế nhìn về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và là một siêu cường đang trỗi dậy nhanh chóng với mong muốn sở hữu vị thế xứng đứng trên vũ đài quốc tế, thì chính sách ngoại giao mập mờ của Trung Quốc đang gây ra những sự hỗn loạn và leo thang căng thẳng trong khu vực.

Việt Nam và Philippines - những nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cùng với Brunei và Malaysia - đã phản đối mạnh mẽ những quy định mới mà tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đưa ra.

Ảnh: RT

Ấn Độ tuần trước tuyên bố đã sẵn sàng điều động tàu hải quân tới khu vực để đảm bảo các lợi ích của mình. Mỹ công khai yêu cầu Trung Quốc làm rõ phạm vi và ý nghĩa của quy định mới. "Nó thực sự không rõ ràng, tôi cho rằng với mọi quốc gia", Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke nói.

Giới phân tích cho rằng, thực tế là một chính quyền tỉnh có thể đơn phương làm xấu đi một trong những vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất của Trung Quốc, thậm chí có khả năng gây rủi ro lớn trong việc hoạch định chính sách cho khu vực này. "Nó thể hiện một chính sách đối ngoại hỗn độn thế nào của Trung Quốc khi đề cập tới Biển Đông", một quan chức ngoại giao phương Tây tại Trung Quốc nói.

Theo một báo cáo của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) hồi đầu năm nay, có không ít hơn 11 cơ quan chính phủ từ quản lý du lịch tới hải quân Trung Quốc - tham gia đóng vai trò ở Biển Đông. Tất cả, ICG cảnh báo, đều có khả năng hành động làm tổn hại nỗ lực ngoại giao.

Tuyên bố chủ quyền

Đó chính là những gì xảy ra trong trường hợp quy định mới của Hải Nam.

Ngô Thế Xuân - quan chức cấp cao trong văn phòng đối ngoại tỉnh này nói, ông nghĩ quy định mới được hội đồng lập pháp địa phương thông qua và không chắc Bắc Kinh có nắm rõ điều này hay không. Phần lớn các nhà phân tích tin rằng, nỗ lực phối hợp giữa vô số cơ quan quản lý chính sách biển tại Trung Quốc đã thất bại trong khi ngày càng có nhiều thừa nhận trong tầng lớp quan chức Trung Quốc rằng, khi một vấn đề tồn tại thì khó có khả năng thay đổi nhanh chóng.

Trong khi đó, cuộc tranh chấp trên Biển Đông tiếp tục gia tăng. Tuần trước, Việt Nam đã phản ứng việc 2 tàu cá Trung Quốc cố tình cản trở và gây đứt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Báo cáo của ICG nhấn mạnh, các tàu cá Trung Quốc trong một số trường hợp được chính quyền tỉnh "thúc ép" hoạt động xa hơn.

Không lâu trước khi ban hành quy định mới, cả khu vực đã lên tiếng bất bình vì một bản đồ in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc. Bản đồ này thể hiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông. Chu Phong, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Đại học Bắc Kinh cho hay, tấm hộ chiếu mới được Bộ Công an (MPS) Trung Quốc phát cho dân thường. "Tôi nghĩ rằng, MPS thấy họ cần làm gì đó để thể hiện sự ủng hộ với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nhưng tôi không nghĩ họ có được sự ủng hộ từ bộ Ngoại giao", ông nói.

Trong khi đó, bộ Ngoại giao Trung Quốc cấp hộ chiếu cho quan chức chính phủ, và những tấm hộ chiếu ấy không mang hình bản đồ nói trên.

Ở đây xuất hiện một phần lớn của vấn đề: bộ Ngoại giao Trung Quốc có nhiệm vụ phối hợp giữa các bên, nhưng ảnh hưởng lại chưa đủ lớn để làm việc này một cách hiệu quả. Trong cuộc họp báo gần đây, người phát ngôn của bộ này là Hồng Lỗi dường như không có nhiều thông tin về quy định mới của Hải Nam. Một phóng viên đã hỏi về trách nhiệm điều phối chính sách Biển Đông của bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn họ Hồng trả lời: "Trung Quốc quản lý biển theo quy định của pháp luật".

Đường 9 đoạn

Một nhân tố phức tạp khác trong cuộc cạnh tranh chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông là việc Bắc Kinh tự mình thể hiện tham vọng trên cái gọi là "bản đồ 9 đoạn". Bản đồ này lượn sát bờ biển các nước khác trong cái gọi là phân định chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Nhưng nó không đơn giản là như vậy. Carlyle Thayer, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học New South Wales ởi Australia, cho hay, trong 26 hội thảo ông tham dự suốt hai năm qua, các câu hỏi được lặp đi lặp lại với các học giả Trung Quốc chỉ là về đường 9 đoạn và không hề có câu trả lời rõ ràng. "Không một người nào ở Trung Quốc có thể nói cho bạn nó nghĩa là gì", ông nhấn mạnh.

Các cơ quan chính phủ Trung Quốc cũng có những quan điểm khác nhau. Một quan chức Đông Nam Á ở Bắc Kinh cho hay. "Trung Quốc thậm chí không có tọa độ chính xác về yêu sách mở rộng chủ quyền trong khu vực, khiến vấn đề trở nên khó khăn khi phải xác định nơi chủ quyền của họ bắt đầu và kết thúc", ông nói. "Chúng tôi đã hỏi họ về tọa độ chính xác và họ không thể trình bày cho chúng tôi".

Một số nhà phân tích lập luận, sự mơ hồ đôi khi giúp Bắc Kinh "rảnh tay" trong việc thương thảo ở một số khu vực tranh chấp. Nhưng "mặt khác", theo ông Thayer, "họ cũng đối mặt với áp lực to lớn" hiện tại để truyền tải rõ ràng và cụ thể về vị trí của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc thừa nhận cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan, nhưng có rất ít tiến triển.

Trong tương lai gần, tầng lớp lãnh đạo mới dưới sự dẫn dắt của ông Tập Cận Bình sẽ tập trung nhiều vào các vấn đề trong nước. Stephanie Kleine-Ahlbrandt, tác giả - thuộc Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế - báo cáo chính sách Biển Đông của Trung Quốc nhận định. "Trong bối cảnh ấy, hầu như sẽ không có thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc".

Thái An (theo Reuters)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét