Ngày 11/12 (theo giờ Việt Nam), tại lễ kỷ niệm 30 năm ra đời Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã kêu gọi những nỗ lực toàn cầu vận động tất cả các nước cam kết với công ước vốn được xem là “hiến pháp của đại dương”.
Phát biểu trước 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ tại lễ kỷ niệm, ông Ban Ki-moon nói: “Giống như Hiến pháp, UNCLOS là nền tảng cho sự ổn định, an ninh và thịnh vượng – là công cụ chung cho mọi quy định, luật lệ trên Biển”. Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh, UNCLOS "góp phần vào hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như việc sử dụng công bằng và hiệu quả các nguồn tài nguyên của đại dương, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và hiện thực hóa một trật tự kinh tế công bằng và hợp lý".
Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Rodney Charles cho rằng, UNCLOS đã trở thành một nhân tố quan trọng của khung pháp lý quốc tế. Theo ông, vì thiếu một khung pháp lý toàn cầu nên đã dẫn tới mối đe dọa xung đột hàng hải cũng như việc khai thác vô nguyên tắc tài nguyên đại dương. Vì vậy, các nước thành viên phải thừa nhận sự phổ quát toàn cầu của công ước này là nhiệm vụ cấp bách.
Cùng với UNCLOS, LHQ cũng đã cho công bố sáng kiến "Thỏa thuận Đại dương" nhằm bảo vệ các đại dương khỏi nạn ô nhiễm và tình trạng đánh bắt cá quá mức cũng như ngăn chặn hiện tượng mực nước biển dâng cao đe dọa hàng trăm triệu người dân trên thế giới.
|
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon từng nhấn mạnh vai trò của UNCLOS trong việc bảo vệ, gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. |
Cả ông Ban Ki-moon và ông Rodney Charles đều khẳng định, sáng kiến này đề ra "một tầm nhìn chiến lược" về một hệ thống của LHQ nhằm giải quyết hiệu quả "tình trạng bất ổn" của các vùng biển trên thế giới. Trong khi đó, nước chủ nhà Hàn Quốc cũng kêu gọi tăng cường UNCLOS trong giải quyết các tranh chấp trên biển đang ngày càng gia tăng.
Ra đời từ năm 1982, cho đến nay, UNCLOS vẫn được đánh giá là thành tựu quan trọng của luật pháp quốc tế, có ý nghĩa to lớn trong việc điều chỉnh hoạt động của cộng đồng quốc tế tại mọi vùng biển và đại dương. UNCLOS chi phối tất cả các khía cạnh của không gian đại dương, bao gồm việc phân định ranh giới lãnh hải, các quy định về môi trường, nghiên cứu khoa học, thương mại và giải quyết tranh chấp quốc tế liên quan các vấn đề về lãnh hải.
Công ước này gần đạt được “mục tiêu phổ quát” mà Đại hội đồng LHQ đề ra từ năm 1982. Theo hãng Reuters, trong số các văn kiện pháp lý quốc tế được ký kết kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, UNCLOS được coi là văn kiện đứng thứ hai về tầm quan trọng, chỉ sau Hiến chương LHQ.
Trong số 320 điều khoản và 9 phụ lục, UNCLOS có hẳn một phần quy định chi tiết các nguyên tắc, thủ tục, cơ chế giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước. Chính vì thế, khi bàn thảo cách giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông, các học giả quốc tế và chính phủ Philippines, Việt Nam, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Mỹ... đều kêu gọi sử dụng các quy định UNCLOS để phân xử tranh chấp.
Hôm 11/12, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa một lần nữa kêu gọi các bên liên quan đẩy mạnh cơ chế đối thoại về các vấn đề ở Biển Đông và nhanh chóng phê chuẩn Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cho đây là việc làm quan trọng nhất hiện nay
|
0 Nhận xét
Cảm ơn, chúc bạn vui vẻ !