Thả rông, suy cho cùng, thuộc về tự do cá nhân. Một sự tự do nên hiểu là thoải mái, miễn là đừng ảnh hưởng đến tự do, đến sự thoải mái của những người khác.
Ở Trung Quốc “Nữ sinh được thả rông khi đi thi đại học”. Ở Nga, một thành viên của nhóm ngực trần Femen được sang Pháp. Trong khi đó, ở Việt Nam, Bộ Công an đã chính thức bỏ quy định xử phạt “thả rông”.
Quyền “thả rông” ở quê hương của nho giáo thực ra là những bình luận hài hước bắt nguồn từ một quy định hành chính cấm các nữ sinh mặc áo lót ngực có gọng sắt, quần lót có móc kim loại nhằm chống các thiết bị điện tử trong kỳ thi đại học.
Có nên cấm…áo ngực gọng sắt, móc kim loại chỉ vì một khả năng (gian lận) có thể hoặc không xảy ra, đang là chuyện dân Trung Quốc tranh cãi dài dài, khi bản chất nó xâm phạm hơi nhiều vào sự riêng tư của giới chân dài.
Trong khi các mạng xã hội Trung Quốc còn mải cãi nhau quanh cái áo ngực thì ở Việt Nam, vừa được đưa ra lấy ý kiến người dân sau khi chỉnh sửa, dự thảo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội của Bộ Công an, sau quá nhiều la ó từ dư luận, đã bỏ hẳn quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 – 200.000 đồng đối với hành vi không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các điểm hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nơi đang làm việc của các cơ quan nhà nước…
Hãy trả lời một cách công bằng phản ứng đầu tiên của bạn là gì?
Đừng nói là bạn sẽ vỗ đùi…người bên cạnh, trước một lẽ công bằng được trả lại.
Ơn trời, đại kiện tướng Dancesport Khánh Thi sẽ không còn phải lo về một nhóm người kiểm soát kiểm soát áo lót hoặc miếng dán ngực. Mai Khôi sẽ không còn phải than giời về sự bất bình đẳng nam/nữ. Và Bà Tưng sẽ không trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên bị phạt vì “thả rông”.
Tuần trước, mẹ ruột của Bà Tưng đàng hoàng xuất hiện trên tuyền thông với tuyên bố như đinh đóng cột: “Chuyện nó hở hang hay không mặc áo ngực là hoàn toàn bình thường. Hồi ở nhà, nó cũng không mặc. Dù dư luận có nói gì thì tôi cũng bỏ ngoài tai và mặc kệ, tôi biết con mình ngoan hay hư, vẫn luôn tin tưởng và tự hào về con gái mình”.
Khi phát ngôn này được đưa lên một diễn đàn, nhấn mạnh là diễn đàn dành riêng cho phụ nữ, tất nhiên, nhận đủ “một lò gạch”.
Nhưng thật ra, chưa nói tới ý nghĩa lớn lao về một sự bình quyền nam nữ, “Nói không với áo ngực” bảo là “đẹp có quyền khoe ra”, để “bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của đôi gò bồng đào” như Mai Khôi, hoặc “tránh nguy cơ ung thư vú” như Bà Tưng, kể cũng đúng. Thả rông, suy cho cùng, thuộc về tự do cá nhân. Một sự tự do nên hiểu là thoải mái, miễn là đừng ảnh hưởng đến tự do, đến sự thoải mái của những người khác.
Nếu phải trả lời câu hỏi người ta nên, chứ không phải câu hỏi “có quyền- thả rông khi nào, xin hãy đọc bản tin thời sự tràn ngập các báo quanh vụ “hàng chục nữ sinh mặc bikini tiếp khách trong quán karaoke”. Bản thân dòng tít đã thể hiện thái độ xã hội. Bikini chỉ được thiết kế để mặc ở trong bể bơi, ngoài bãi biển, trên sân khấu thời trang, chứ không phải mặc trong quán karaoke.
Bộ đồ gọn gàng, phong cánh ăn mặc thoải mái, hay phương tiện khiêu dâm, rõ ràng phụ thuộc hoàn toàn vào người mặc. Còn chuyện bộ đồ đó, cách thức “thả rông” đó, khiến người ta gợi cảm hay khiêu dâm, đẹp hay phản cảm thì lại phụ thuộc vào văn hóa của những ánh mắt.
Nguồn: Đào Tuấn
0 Nhận xét
Cảm ơn, chúc bạn vui vẻ !